NGƯỜI DÂN ĐANG PHẢI CHỊU GIÁ GAS CAO KỶ LỤC

“Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác”
Gọi điện đặt một bình gas 12kg, chị Trần Thị Mai (công nhân – quận Cầu Giấy) thở dài nói, nhà tôi có bốn người, khoảng gần hai tháng dùng hết một bình gas 12 kg. Hai vợ chồng là công nhân, lương mỗi tháng chỉ khoảng hơn năm triệu đồng, lo cho hai con ăn học và bản thân đã phải “giật gấu vá vai” lắm rồi. Giờ mỗi tháng lại tốn thêm gần 40 nghìn tiền gas nữa. Khoản tiền này thực sự đáng suy nghĩ với mức thu nhập của gia đình tôi.

Là chủ một hiệu kinh doanh cơm bình dân trên đường Cửa Bắc, chị Hoàng Thị Hoa chia sẻ, mỗi tháng, nhà tôi dùng hết khoảng bốn bình gas loại 12kg. Sau lần tăng giá này, đến nay, mỗi tháng nhà tôi tốn thêm hơn 300 nghìn tiền gas. Từ đầu năm đến nay, do khó khăn, quán cơm nhà tôi vắng khách hơn hẳn nên dù một loạt các mặt hàng tăng giá nhưng tôi vẫn không dám tăng giá cơm. Giờ giá gas cũng tăng nữa, nếu không tính toán lại, chắc chắn lỗ.

Trước việc giá gas tăng cao mức kỷ lục, anh Hà – chủ một cửa hàng kinh doanh ăn uống nhỏ trên phố Cửa Bắc than thở, mỗi ngày, nhà tôi dùng hết khoảng mười bình gas mini. Trong dịp tăng giá mới này, mỗi bình gas mini đã tăng thêm hai nghìn đồng (từ mức 11 nghìn đồng lên 13 nghìn đồng/bình), tức là mỗi tháng cửa hàng của tôi phải chi thêm khoảng 600 nghìn đồng – một khoản tiền không hề nhỏ trong điều kiện kinh doanh khó khăn như hiện nay.

Đã hơn mười ngày kể từ khi giá gas tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2-2012 đến nay (80 nghìn/bình 12 kg). Lý giải cho lần tăng giá này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá gas ở thị trường trong nước được xác lập trên cơ sở giá thế giới do Công ty Saudi Aramco (Saudi Arabia) công bố vào những ngày cuối cùng của tháng trước và áp dụng từ đầu tháng sau. Cụ thể, từ ngày 1-12, giá gas thế giới tăng thêm 267,5 USD/tấn. Tính toán sơ bộ, giá bán gas trong nước tăng bình quân 80 nghìn đồng/bình 12kg là hợp lý.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết người dân đều khá bất bình với cách lý giải này. “Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác, không được có ý kiến gì cả, cứ hễ công ty gas báo tăng giá là tăng thôi. Tôi không rõ cách điều hành giá của Nhà nước như thế nào nhưng thiết nghĩ, từ đầu năm đến nay, giá điện đã tăng, xăng tăng, học phí của con tôi cũng tăng, bao nhiêu mặt hàng khác cũng tăng giá… Giờ giá gas tăng nữa thì thực sự quá khó khăn cho chúng tôi”, anh Hà thẳng thắn nói.

Bỏ bếp gas dùng bếp điện, than

Để đối phó với việc gas tăng giá, nhiều hộ kinh doanh, hộ gia đình đã lựa chọn một nguồn năng lượng khác để đun nấu. Chị Nguyễn Thanh Tâm (nhân viên hành chính ở phố Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội) chia sẻ, gia đình tôi quyết định chuyển sang dùng bếp điện, vừa để đối phó với tình trạng gas tăng giá, vừa an toàn hơn, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.

Chị Hoàng Thị Hoa thì cho hay, giá mỗi suất cơm thì không thể tăng được rồi, vì tăng nữa chắc mất khách. Vì vậy, sắp tới, chắc tôi phải chuyển sang dùng thêm bếp than tổ ong để tiết kiệm gas thôi.

Tuy nhiên, điều khiến người dân lo ngại nhất không hẳn là việc mỗi bình gas tăng thêm vài chục nghìn đồng, mà do gas là một trong những mặt hàng thiết yếu nên việc tăng giá này chắc chắn sẽ đẩy giá một số mặt hàng khác tăng theo. Đặc biệt, thời điểm tăng giá gas lại rơi đúng vào cuối năm nên không ít người lo ngại giá cả nhiều mặt hàng sẽ có nhiều biến động. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, riêng với mặt hàng gas, trước mắt, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ phối hợp kiểm tra các DN kinh doanh gas để xem có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá bất hợp lý không, nếu có sẽ xử lý. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tiến hành kiểm tra lại hệ thống phân phối mặt hàng này để giảm bớt khâu trung gian, bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng không bị đội giá quá cao. Về lâu dài, khoảng đầu năm tới, Bộ sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá lại Nghị định số 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), từ đó đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định này. Hy vọng, sau khi sửa đổi Nghị định, thị trường gas sẽ phát triển tốt hơn, người tiêu dùng được sử dụng gas với giá cả hợp lý nhất.

Riêng về lo ngại giá cả hàng hóa cuối năm sẽ “tát nước theo mưa”, tăng theo giá gas, ông Chiến khẳng định, theo quy luật, do trùng vào những ngày lễ lớn nên hàng hóa cuối năm thường có xu hướng tăng giá. Tuy nhiên năm nay, do kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân giảm, sức mua yếu nên việc tăng giá đột biến sẽ khó diễn ra. Bên cạnh đó, trong thời điểm trước, trong và sau Tết, lực lượng quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh kiểm tra để bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết không bị lợi dụng tăng giá.